Dự phòng lao cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS - Bs Thế

DỰ PHÒNG LAO CHO BỆNH NHÂN NHIỄM HIV/AIDS

Nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội (NTCH) ở bệnh nhân nhiễm HIV tăng khi số lượng CD4 giảm. Nguy cơ này cũng tăng ở bệnh nhân không dùng hay không đáp ứng thuốc điều trị ARV.

Theo hướng dẫn của BYT có 3 nhóm bệnh nguy hiểm cần phải điều trị dự phòng cho người nhiễm HIV đó là:

– Dự phòng PCP (Pneumocystis jirovecii) và Toxoplasma

– Dự phòng lao

– Dự phòng nấm Cryptococcus

Trong bài viết này tôi chỉ tập trung vào dự phòng bệnh lao.

1- Sàng lọc và chẩn đoán loại trừ bệnh lao

Các dấu hiệu nghi ngờ mắc lao trên người nhiễm HIV:

Người lớn và vị thành niên nhiễm HIV nghi mắc lao khi có bất kỳ một trong các triệu chứng ho, sốt, sụt cân hoặc ra mồ hôi ban đêm.

Trẻ nhiễm HIV có một trong các triệu chứng:

– Cân nặng: không lên cân, thiếu cân so với độ tuổi, sụt cân (từ >5%) so với lần kiểm tra gần nhất hoặc đường cong tăng trưởng đi ngang.

– Sốt

– Hiện tại có ho/khò khè

– Có tiếp xúc với người bệnh lao

– Trẻ có tiền sử tiếp xúc với người bệnh lao đa kháng thuốc cần được theo dõi chặt chẽ các triệu chứng của bệnh lao trong vòng ít nhất 2 năm, có thể chưa cần điều trị dự phòng lao.

Người nhiễm HIV cần được sàng lọc lao theo sơ đồ dưới đây trong tất cả các lần tái khám.

Sơ đồ sàng lọc lao cho người lớn và trẻ vị thành niên

Dự phòng lao cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS - Bs Thế

Sơ đồ sàng lọc lao cho người lớn và trẻ vị thành niên

Sơ đồ sàng lọc lao cho trẻ em trên 12 tháng tuổi

Dự phòng lao cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS - Bs Thế

Sơ đồ sàng lọc lao cho trẻ em trên 12 tháng tuổi

Các trường hợp nghi mắc lao cần được chẩn đoán phân biệt với các bệnh NTCH khác và tiến hành các biện pháp chẩn đoán mắc lao như: chụp X-quang phổi, xét nghiệm AFB đờm và các xét nghiệm cần thiết khác (genXpert, AFB hạch hoặc nuôi cấy vi khuẩn lao nếu có thể).

2- Điều trị dự phòng lao bằng isoniazid (INH)

Chỉ định:

1- Người lớn và trẻ vị thành niên nhiễm HIV đã được loại trừ mắc lao tiến triển không phụ thuộc vào tình trạng miễn dịch, người bệnh đang điều trị ARV, tình trạng thai nghén và người bệnh đã từng được điều trị lao trước đây.

2- Tất cả người mắc lao sau khi kết thúc điều trị lao thanh công cần tiếp tục điều trị dự phòng lao bằng isoniazid ngay sau đó.

Chống chỉ định

Người bệnh có tiền sử dị ứng với INH (người bệnh đã từng bị sốt, phát ban hoặc viêm gan do điều trị bằng INH trước đây).

Tạm ngừng điều trị dự phòng INH cho các trường hợp sau:

– Viêm gan tiến triển, xơ gan, nghiện rượu nặng: người bệnh có các triệu chứng lâm sàng của viêm gan (mệt mỏi, biếng ăn, nước tiểu sẫm màu, đau bụng, nôn, buồn nôn, vàng da) và/hoặc có tăng men gan (ALT > 5 lần chỉ số bình thường). Trì hoãn điều trị dự phòng lao bằng INH cho đến khi men gan trở về bình thường hoặc < 5 lần giới hạn bình thường.

– Rối loạn thần kinh ngoại biên: người bệnh có cảm giác kim châm, yếu chi hoặc có cảm giác đau bỏng rát ở các chi. Trì hoãn điều trị dự phòngINH cho đến khi người bệnh được điều trị ổn định.

Liều lượng, cách dùng INH

– Người lớn: 300mg/ngày uống 1 lần/ngày vào thời gian nhất định trong ngày và xa bữa ăn, tốt nhất là uống lúc đói, thời gian điều trị 9 tháng

Xử trí với trường hợp người bệnh quên uống thuốc

Nếu người bệnh quên uống dưới 50% tổng số liều, tiếp tục điều trị cho tới khi đủ 270 liều.

Nếu người bệnh quên uống trên 50% tổng số liều hoặc bỏ thuốc liên tục trên

2 tháng, điều trị lại từ đầu.

Theo dõi trong quá trình điều trị dự phòng lao

– Cần làm các xét nghiệm ban đầu như AST, ALT, bilirubin máu cho người nhiễm HIV có các yếu tố nguy cơ như tiền sử bệnh về gan, thường xuyên uống rượu, đang bị bệnh gan mạn tính, trên 35 tuổi và phụ nữ mang thai hoặc vừa sinh xong (trong vòng 3 tháng). Nếu kết quả xét nghiệm bất thường, cần làm lại định kỳ để theo dõi.

– Người bệnh cần liên hệ ngay với bác sỹ chuyên khoa khi có các triệu chứng: buồn nôn, nôn, đau bụng, mệt mỏi kéo dài, nước tiểu sẫm màu, phân nhạt màu hay vàng da/niêm mạc.

– Người nhiễm HIV đảm bảo tuân thủ và hoàn thành liệu trình điều trị dự phòng lao.