Hướng dẫn sử dụng thuốc ARV dự phòng trước phơi nhiễm của Bộ Y Tế - Bs Thế

Bài chia sẻ của Bác sĩ Nguyễn Duy Thế – Bệnh viện 175 – TPHCM
Chuyên khoa bệnh nhiệt đới – Chuyên gia tư vấn và điều trị HIV/AIDS với 28 năm kinh nghiệm

Dự phòng trước phơi nhiễm là sử dụng thuốc ARV để dự phòng lây nhiễm HIV cho người chưa nhiễm HIV nhưng có các hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV. Sau đây là thông tin hướng dẫn của Bộ Y Tế về việc sử dụng thuốc ARV dự phòng trước phơi nhiễm.

Thời gian cần thiết để đạt hiệu quả điều trị dự phòng trước phơi nhiễm như sau:

  • Quan hệ tình dục đường hậu môn có tác dụng dự phòng tối đa sau khi đã uống đủ 7 ngày liên tục.
  • Quan hệ tình dục đường âm đạo và qua đường máu tác dụng dự phòng tối đa sau khi sử dụng đủ 21 ngày liên tục.

1. Đối tượng cần được dự phòng trước phơi nhiễm

Đối tượng cần được dự phòng trước phơi nhiễm là những người có hành vi nguy cơ cao thuộc các nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, chuyển giới nữ, phụ nữ bán dâm.

Trường hợp người có vợ/chồng/bạn tình nhiễm HIV:

  1. Thực hiện điều trị ARV cho bạn tình nhiễm HIV và tiến hành theo dõi xét nghiệm tải lượng HIV định kỳ. (Trường hợp xét nghiệm tải lượng HIV của bạn tình nhiễm HIV < 200 bản sao/ml thì không cần điều trị dự phòng trước phơi nhiễm cho bạn tình không nhiễm HIV).
  2. Chỉ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm trong một số tình huống đặc biệt: Vì lý do nào đó mà người nhiễm HIV không điều trị ARV hoặc điều trị ARV nhưng tải lượng HIV không đạt được dưới ngưỡng 200 bản sao/ml.

2. Quy trình khám và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm

Bước 1: Sàng lọc đánh giá hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV của khách hàng trong 6 tháng.

Bước 2: Tư vấn và xét nghiệm HIV.

Bước 3: Tư vấn về dự phòng trước phơi nhiễm cho khách hàng nguy cơ cao có kết quả xét nghiệm HIV âm tính:

  • Lợi ích và hiệu quả của việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm
  • Thuốc và tác dụng phụ có thể gặp
  • Tầm quan trọng của tuân thủ điều trị dự phòng
  • Các biện pháp dự phòng bổ sung khác.

Bước 4: Khám bệnh, khai thác tiền sử bệnh thận, các bệnh lây truyền đường tình dục, bệnh tâm thần, động kinh… Cần xác định xem khách hàng có các dấu hiệu và triệu chứng giống cúm (biểu hiện của nhiễm HIV cấp tính) trong vòng 1 tháng trước đó không.

Bước 5: Xét nghiệm Creatinine máu và HBsAg

Bước 6: Đánh giá khách hàng đủ điều kiện điều trị dự phòng trước phơi nhiễm:

  • XN HIV âm tính
  • Không có biểu hiện của nhiễm HIV cấp tính
  • Không có suy thận, không có tiền sử bệnh tâm thần hay động kinh
  • Tự nguyện điều trị dự phòng trước phơi nhiễm
  • Hiểu được tầm quan trọng của tuân thủ điều trị và cam kết tuân thủ điều trị

Bước 7: Chỉ định thuốc ARV dự phòng trước phơi nhiễm theo phác đồ TDF + FTC hoặc phác đồ một thuốc TDF, uống hằng ngày.

Bước 8: Theo dõi và tái khám.

  1. Tái khám lần đầu: Sau 1 tháng, xét nghiệm kháng thể kháng HIV, đánh giá tác dụng phụ của thuốc ARV, tuân thủ điều trị, xác định những khó khăn trong tuân thủ điều trị;
  2. Các lần tiếp theo: Định kỳ 3 tháng cho các trường hợp tuân thủ điều trị tốt: xét nghiệm đánh giá tình trạng HIV, kê đơn thuốc cho 3 tháng tiếp theo (90 ngày), đánh giá tác dụng phụ, tuân thủ sử dụng thuốc và trả lời các câu hỏi của khách hàng. Nếu khách hàng tuân thủ điều trị không tốt thì tái khám và cấp phát thuốc hằng tháng;
  3. Xét nghiệm creatinine 6 – 12 tháng một lần hoặc khi người bệnh có dấu hiệu bệnh lý về chức năng thận;
  4. Khám và sàng lọc bệnh lây truyền qua đường tình dục, đánh giá nhu cầu tiếp tục điều trị dự phòng trước phơi nhiễm.

3. Xử trí một số tình huống trong khi điều trị dự phòng trước phơi nhiễm

Theo dõi trong và sau điều trị dự phòng trước phơi nhiễm như theo dõi và xử trí tác dụng phụ của thuốc ARV.

4. Ngừng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm

Trường hợp khách hàng muốn ngừng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm, cần uống thuốc ARV tiếp tục 28 ngày sau lần phơi nhiễm cuối cùng.

Dự phòng trước phơi nhiễm có thể ngừng trong các trường hợp sau:

  1. Cá nhân thay đổi hành vi, không còn nguy cơ nhiễm HIV
  2. Nhiễm HIV trong quá trình điều trị dự phòng, khách hàng cần được kết nối chăm sóc và điều trị HIV
  3. Tác dụng phụ kéo dài (suy thận) điều trị không khỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Những việc cần làm khi ngừng dự phòng trước phơi nhiễm:

  • Xét nghiệm kháng thể kháng HIV
  • Tìm hiểu nguyên nhân ngừng sử dụng
  • Đánh giá hành vi nguy cơ của khách hàng
  • Ghi chép đầy đủ các thông tin trên vào bệnh án ngoạị trú.

BẠN CẦN NHỚ:

  1. Dự phòng trước phơi nhiễm là dùng thuốc cho người chưa bị nhiễm HIV;
  2. Để đạt được hiệu quả phòng lây nhiễm tốt nhất, cần uống ARV trước nguy cơ lây nhiễm ít nhất là 7 ngày;
  3. Chồng/ vợ/ bạn tình nhiễm HIV đang dùng ARV nếu ức chế HIV dưới ngưỡng phát hiện thì không cần dự phòng trước phơi nhiễm;
  4. Người uống thuốc dự phòng trước phơi nhiễm cần xét nghiệm HIV sau 1 tháng và mỗi 3 tháng;
  5. Phác đồ dự phòng trước phơi nhiễm tốt nhất là dùng 2 thuốc TDF+FTC (Tenofovir 300mg + Emtricitabin 200mg) uống 1 lần/ ngày;
  6. Muốn ngừng dự phòng trước phơi nhiễm thì phải uống thêm 28 ngày sau nguy cơ cuối cùng;
  7. Cần theo dõi tác dụng phụ của thuốc, chức năng thận… trong suốt quá trình điều trị;
  8. Uống thuốc dự phòng trước phơi nhiễm bạn vẫn có thể bị lây lan các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác.

Phơi nhiễm với HIV là tình huống hoàn toàn có thể xảy ra trong đời sống hàng ngày. Trong trường hợp khẩn cấp, cần sử dụng thuốc ARV dự phòng trước phơi nhiễm đúng theo hướng dẫn của Bộ y tế.