Các giai đoạn diễn biến tự nhiên của nhiễm HIV - Bs Thế

Bài chia sẻ của Bác sĩ Nguyễn Duy Thế – Bệnh viện 175 – TPHCM

Chuyên khoa bệnh nhiệt đới – Chuyên gia tư vấn và điều trị HIV/AIDS với 28 năm kinh nghiệm.

HIV tiến triển qua nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn được đặc trưng bởi những đặc điểm khác nhau. Nhận biết được các giai đoạn của HIV giúp cho việc điều trị và phòng chống lây nhiễm virus đạt hiệu quả cao hơn.

1. Có mấy giai đoạn diễn biến tự nhiên của nhiễm HIV?

HIV là bệnh truyền nhiễm có ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống miễn dịch của cơ thể, nguy hiểm ở chỗ bệnh nhân dễ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội do tình trạng suy giảm miễn dịch. Ở mỗi giai đoạn của HIV lại có những biểu hiện bệnh khác nhau, người bệnh cần nắm để có phương pháp điều trị kịp thời.

Các giai đoạn của HIV bao gồm:

  • Giai đoạn nhiễm HIV tiên phát;
  • Giai đoạn tiềm tàng;
  • Nhiễm HIV có triệu chứng;
  • AIDS (nhiễm HIV tiến triển).

2. Các giai đoạn tiến triển của HIV

2.1. Nhiễm HIV tiên phát

Đây là giai đoạn đầu của HIV, xuất hiện từ 2 – 4 tuần sau khi nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch.

Các triệu chứng thường kéo dài trong khoảng 1 – 2 tuần và thường gặp nhất là:

  • Phát ban da
  • Sốt
  • Đau cơ/đau khớp
  • Viêm họng
  • Hạch to

Hiện tượng chuyển đảo huyết thanh thường xuất hiện trong vòng 4 – 12 tuần sau đó nên xét nghiệm tìm kháng thể HIV thường sẽ âm tính trong giai đoạn này. Do đó, nếu nghi ngờ nhiễm HIV và đã làm xét nghiệm HIV âm tính thì nên tiến hành lại xét nghiệm sau 1 và 3 tháng. Xét nghiệm tải lượng virus HIV đơn thuần là đã có thể chẩn đoán được bệnh nhân nhiễm HIV cấp tính.

Phát ban toàn thân là biểu hiện thường gặp trong giai đoạn đầu của HIV, trong đó:

  • Tổn thương hồng ban xuất hiện dưới dạng sẩn 5 – 10 mm;
  • Thời điểm nhận biết là khoảng 48 – 72 giờ sau khi bắt đầu sốt;
  • Các biểu hiện kéo dài trong 5 – 8 ngày;
  • Thường gặp nhất ở phần mặt và thân mình;
  • Điển hình thì không ngứa.

Điều trị hỗ trợ bằng các phương pháp sau:

  • Nếu có sốt, hạ sốt bằng paracetamol;
  • Giảm đau bằng NSAIDS hoặc các thuốc nhóm opiat;
  • Duy trì bù đủ nước;

Tải lượng virus ở giai đoạn này là rất cao, vì vậy nên bác sĩ cần tư vấn kỹ để bệnh nhân đề phòng lây truyền cho người khác.

Các giai đoạn diễn biến tự nhiên của nhiễm HIV - Bs Thế
Diễn biến miễn dịch tương ứng các giai đoạn lâm sàng của HIV

2.2. Giai đoạn tiềm tàng

Giai đoạn tiềm tàng của HIV có đặc điểm là giảm dần số lượng CD4. Bệnh nhân hoàn toàn có thể khỏe mạnh trong 5 – 10 năm trước khi xuất hiện triệu chứng điển hình.

  • Có thể xuất hiện triệu chứng khi CD4 < 500 tế bào /mm3;
  • Các nhiễm trùng cơ hội xuất hiện khi CD4 < 200 tế bào /mm3.

2.3. Nhiễm HIV có triệu chứng

Giai đoạn nhiễm HIV có triệu chứng xuất hiện khi CD4 < 500 tế bào/mm3. Các tình trạng có thể gặp khi số lượng CD4 nằm trong khoảng 200 – 500 bao gồm:

  • Biểu hiện hạch to toàn thân
  • Mệt mỏi, suy kiệt
  • Sốt hoặc tiêu chảy kéo dài trên 1 tháng
  • Bệnh Candida miệng hoặc âm đạo
  • Viêm phổi do vi khuẩn
  • Lao phổi
  • Herpes zoster (bệnh Zona)
  • Bệnh ác tính (ung thư cổ tử cung, u lympho).

Một số bệnh nhân có mức CD4 trên 200 có thể trạng ốm yếu với nhiều triệu chứng khác nhau. Một số bệnh nhân có CD4 thấp dưới 100 có thể cảm thấy khỏe mạnh mà không có triệu chứng gì hết.

Tất cả bệnh nhân đều có giảm chức năng miễn dịch và có nguy cơ bị nhiễm trùng cơ hội khi:

  • Vào giai đoạn lâm sàng 3 hoặc 4 (HIV giai đoạn cuối) theo WHO;
  • CD4 < 200;
  • TLC (tổng số tế bào lympho) < 1200.

2.4. AIDS (Nhiễm HIV tiến triển)

AIDS là giai đoạn cuối trong các giai đoạn tiến triển tự nhiên của nhiễm HIV. Sự khác nhau như sau:

Đối với nhiễm HIV tiến triển:

  • Bất kỳ tình trạng nào nằm trong giai đoạn lâm sàng 3 hoặc 4 (theo chẩn đoán lâm sàng hoặc chẩn đoán xác định)

và/hoặc

  • Số lượng tế bào CD4 < 350 tế bào/mm3
  • Triệu chứng lâm sàng thường gặp ở giai đoạn 3 là:

– Sụt cân mức độ nặng không rõ nguyên nhân (>10% cân nặng cơ thể)
– Tiêu chảy mạn tính kéo dài trên 1 tháng không rõ nguyên nhân
– Sốt kéo dài không rõ nguyên nhân (không liên tục hoặc liên tục trên 1 tháng)
– Nấm candida miệng kéo dài
– Bạch sản dạng lông ở miệng
– Lao phổi
– Nhiễm khuẩn nặng (như viêm mủ màng phổi, viêm mủ cơ, nhiễm trùng xương khớp, hoặc viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết)
– Viêm loét miệng, viêm lợi hoặc viêm quanh răng hoại tử cấp
– Thiếu máu (<8 g/dl), giảm bạch cầu trung tính (<0,5 x 109/l) hoặc giảm tiểu cầu mạn tính (<50 x 109/l) không rõ nguyên nhân

Đối với AIDS:

  • Bất kỳ tình trạng nào thuộc giai đoạn lâm sàng 4 (khi chẩn đoán lâm sàng hoặc chẩn đoán xác định)

hoặc

  • Số lượng tế bào CD4 < 200 tế bào/mm3
  • Triệu chứng lâm sàng thường gặp ở giai đoạn 4 là:

– Hội chứng suy mòn do HIV
– Viêm phổi do Pneumocystis jirovecii (PCP)
– Viêm phổi do vi khuẩn tái phát
– Nhiễm herpes simplex mãn tính (môi miệng, sinh dục, hoặc hậu môn, trực tràng) kéo dài trên 1 tháng, hay herpes nội tạng bất kể vị trí nào)
– Nhiễm nấm candida thực quản (hoặc nấm candida khí quản, phế quản hoặc phổi)
– Lao ngoài phổi
– Kaposi sarcoma
– Nhiễm cytomegalo vi rút (viêm võng mạc hoặc nhiễm cytomegalo vi rút tạng khác)
– Toxoplasma ở thần kinh trung ương (sau thời kỳ sơ sinh)
– Bệnh lý não do HIV
– Nhiễm nấm cryptococcus ngoài phổi, bao gồm cả viêm màng não
– Nhiễm mycobacteria không phải lao lan tỏa
– Bệnh lý não chất trắng đa ổ tiến triển
– Nhiễm cryptosporidium mạn tính
– Nhiễm Isosporia mạn tính
– Nhiễm nấm lan tỏa (bệnh do histoplasma ngoài phổi, coccidioidomycosis, bệnh do nấm Talaromyces)
– U lympho (u lympho không Hodgkin não hoặc tế bào B)
– Bệnh lý thận hoặc bệnh lý cơ tim liên quan tới HIV
– Nhiễm khuẩn huyết tái phát (bao gồm cả Salmonella không thương hàn)
– Ung thư cổ tử cung xâm lấn
– Bệnh leishmania lan toả không điển hình

3. Những yếu tố nào ảnh hưởng đến sự tiến triển các giai đoạn của HIV?

Yếu tố làm tăng tốc độ tiến triển của bệnh:

  • Tuổi tác cao
  • Triệu chứng trong HIV tiên phát
  • Tình trạng dinh dưỡng thiếu cân đối
  • Nhiễm trùng cơ hội (ví dụ: lao)
  • Tải lượng virus tăng cao
  • Tiêm chích ma túy.

Yếu tố làm chậm tiến triển bệnh:

  • Điều trị kháng HIV bằng thuốc ARV;
  • Dự phòng nhiễm trùng cơ hội bằng cotrimoxazole.

Trung bình phải mất từ 5 – 10 năm từ khi bắt đầu nhiễm HIV đến khi bắt đầu cảm thấy ốm yếu hoặc có triệu chứng. Xác định số lượng CD4 là cách tốt nhất để đánh giá lượng mức độ ức chế miễn dịch cũng như xác định các giai đoạn của HIV.

Tuy nhiên, nếu không có xét nghiệm CD4 thì bệnh nhân hoàn toàn có thể dùng TLC và Phân giai đoạn lâm sàng theo hướng dẫn của WHO để đánh giá tình trạng của hệ miễn dịch và giai đoạn nhiễm HIV.