Nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội (NTCH) ở bệnh nhân nhiễm HIV tăng khi số lượng CD4 giảm. Nguy cơ này cũng tăng ở bệnh nhân không dùng hay không đáp ứng thuốc điều trị ARV.
Theo hướng dẫn của BYT có 3 nhóm bệnh nguy hiểm cần phải điều trị dự phòng cho người nhiễm HIV đó là:
– Dự phòng PCP (Pneumocystis jirovecii) và Toxoplasma
– Dự phòng lao
– Dự phòng nấm Cryptococcus
Trong bài viết này tôi chỉ tập trung vào điều trị dự phòng co-trimoxazole và nấm Cryptococcus.
1. Điều trị dự phòng bằng co-trimoxazole
Điều trị dự phòng bằng co-trimoxazole(CTX hay tên gọi khác là trimethoprim-sulfamethoxazole, TMP-SMX ) có hiệu quả ngăn ngừa một số bệnh NTCH như viêm phổi do Pneumocystis jiroveci, bệnh do Toxoplasma và một số bệnh nhiễm khuẩn khác. Dự phòng CTX được khuyến cáo cho người lớn, phụ nữ mang thai, đang cho con bú và trẻ phơi nhiễm hoặc nhiễm HIV.
Tiêu chuẩn bắt đầu và ngừng điều trị dự phòng bằng co-trimoxazol
Tiêu chuẩn bắt đầu và ngừng điều trị dự phòng bằng co-trimoxazol
Lưu ý:
1. Trong trường hợp bắt đầu điều trị ARV, người bệnh ở giai đoạn lâm sàng 1 hoặc 2 mà chưa xét nghiệm được CD4 thì vẫn tiến hành điều trị dự phòng bằng co-trimoxazole.
2. Ngừng ngay co-trimoxazole nếu người bệnh có hội chứng Stevens-Johnson, dị ứng thuốc mức độ 3 – 4, bệnh gan nặng, thiếu máu nặng, giảm nặng các dòng tế bào máu.
Liều điều trị dự phòng cho người lớn và trẻ em vị thành niên: Uống 1 viên co-trimoxazole 960 mg/ ngày.
Liều điều trị dự phòng cho trẻ em như bảng sau:
Liều co-trimoxazole (CTX) dự phòng cho trẻ phơi nhiễm/trẻ nhiễm HIV
2- Dự phòng nấm Cryptococcus
Việc sàng lọc kháng nguyên Cryptococcus (CrAg) và điều trị dự phòng sớm bằng fluconazole giúp Phòng ngừa tiến triển thành viêm màng não ở những người mang kháng nguyên Cryptococcus trong máu mà không có triệu chứng.
• Sàng lọc kháng nguyên Cryptococcus
Việc sàng lọc kháng nguyên Cryptococcus (CrAg) nên được thực hiện ở tất cả người nhiễm HIV chưa điều trị ARV có CD4 < 100 tế bào/mm3.
• Điều trị dự phòng nấm Cryptococcus
Chỉ định
– Chỉ định điều trị dự phòng fluconazole cho người nhiễm HIV có xét nghiệm kháng nguyên Cryptococcus (CrAg) dương tính sau khi đã loại trừ viêm màng não do nấm Cryptococcus bằng lâm sàng hoặc xét nghiệm.
– Phác đồ điều trị
– Giai đoạn tấn công: fluconazole 800 – 900 mg/ngày (hoặc 12 mg/kg/ngày và không quá 900 mg/ngày cho trẻ em dưới 18 tuổi) trong 2 tuần.
– Giai đoạn củng cố: fluconazole 400 – 450 mg/ngày (hoặc 6 mg/kg/ngày và không quá 450 mg/ngày cho trẻ em dưới 18 tuổi) trong 8 tuần.
– Giai đoạn duy trì: fluconazole 150-200 mg/ngày (hoặc 6 mg/kg/ngày và không quá 200 mg/ngày cho trẻ em dưới 18 tuổi).
– Ngừng điều trị duy trì khi người bệnh điều trị ARV ít nhất 1 năm, các triệu chứng lâm sàng ổn định và có số CD4 > 200 tế bào/mm³ trên 6 tháng hoặc CD4 > 100 tế bào/mm³ trên 6 tháng và tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế. Không ngừng điều trị duy trì cho trẻ em dưới 2 tuổi.
• Thời điểm điều trị ARV cho người bệnh có kháng nguyên Cryptococcus
(CrAg) không triệu chứng
Ở người mang kháng nguyên Cryptococcus (CrAg) không triệu chứng, cần trì hoãn việc bắt đầu điều trị ARV 4 tuần tính từ khi bắt đầu điều trị dự phòngfluconazole để hạn chế sự xuất hiện hội chứng viêm phục hồi miễn dịch.
Để lại một bình luận